Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Vay 70% tiền ngân hàng để mua nhà, vợ chồng trẻ khốn đốn vì 'đếm cua trong lỗ'!

Hai vợ chồng trẻ mới tích cóp được hơn 200 triệu tiền tiết kiệm nhưng đã "liều lĩnh" mua nhà trả góp và kết quả là họ phải than trời vì gánh một số nợ quá nặng.

Vợ chồng chị Thu, anh Khánh (Hà Nội) lập gia đình được 3 năm, chưa có con. Hai vợ chồng là dân ngoại tỉnh nên vẫn phải thuê nhà, hàng tháng chi phí cho việc thuê nhà, điện nước là 5 triệu. Thu nhập trung bình của hai vợ chồng vào khoảng 20 triệu/tháng, trừ chi phí ăn tiêu hết sức tiết kiệm, vợ chồng chị Thu để ra được 10 triệu mỗi tháng. Sau 3 năm làm việc, anh chị tiết kiệm được 250 triệu đồng, số tiền này anh chị dự tính để mua nhà nhưng chưa đủ. Hai vợ chồng cũng không vay mượn được người thân vì hoàn cảnh gia đình hai bên cũng khó khăn.

Tham khảo nhiều dự án chung cư giá rẻ thì mức đặt cọc đều cao, anh Khánh làm tự do (lái xe tải) nên không có hợp đồng lao động, chị Thu thì mức thu nhập thấp nên vay tiền ngân hàng cũng không được mức cao nhất. Tính làm lụng tiết kiệm thêm vài năm nữa rồi tìm những dự án xa trung tâm, chí ít trong tay cũng phải có 500 triệu mới dám đi mua nhà để thỏa ước mơ an cư lạc nghiệp, và cũng là tài sản sau này để cho con cái.

Đầu năm 2016 chị Thu được bạn giới thiệu cho một dự án chung cư với giá cả rất hợp lí dành cho những người có thu nhập thấp, một căn hộ 50 mét vuông chỉ rơi vào tầm 1,1 tỷ đồng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 14km, không gian sống và tiện ích rất tuyệt vời, đặc biệt sau khi tham quan căn hộ mẫu, hai vợ chồng đã không ngần ngại đặt cọc và đóng luôn đợt đầu là 150 triệu đồng. Cũng từ đây, mọi chuyện khó khăn bắt đầu xảy đến với hai vợ chồng khi chưa có một kế hoạch tài chính đảm bảo trong tay mà đã "liều lĩnh" đi mua nhà trả góp.

vay 70 tien ngan hang de mua nha vo chong tre khon don vi dem cua trong lo
Ví tính toán chưa kĩ đã vội vàng quyết định mua nhà trả góp, vợ chồng chị Thu lâm vào cảnh khốn đốn (Ảnh: thanhchungcu)

Dưới đây là tâm sự của chị Thu về câu chuyện mua nhà trả góp của mình, hi vọng thông qua câu chuyện này, các cặp vợ chồng đang có nhu cầu mua nhà mà nguồn tiền chủ động chưa đủ thì sẽ có cái nhìn cẩn trọng hơn trong việc lập kế hoạch chi tiêu:

Vợ chồng tôi quyết định mua một căn hộ 50 mét vuông, 2 phòng ngủ cùng các tiện ích được giới thiệu khá hấp dẫn. Khi đó, hai vợ chồng có 250 triệu đồng trong tay, hoàn toàn không thể vay người thân được, nhưng vì quá thích dự án, lại ngồi nhẩm tính theo kiểu "đếm cua trong lỗ" rằng mình sẽ nhận thêm việc, vừa làm vừa trả, kế hoạch chưa sinh con trong vòng hai năm tới, thuê một căn phòng nhỏ hơn để tiết kiệm hơn nữa, dành tiền trả tiền nhà nên mua trong trạng thái rất "cao hứng".

"Xuống tay" đặt luôn 150 triệu và viết hợp đồng mua bán căn hộ, lúc này vợ chồng tôi mới thấy run tay. Ngộ nhỡ có việc gì đột xuất xảy ra thì biết lấy tiền ở đâu để đóng tiếp? 3 tháng sau đóng đợt 2 là 150 triệu nữa, trong tay còn 100 triệu, làm 3 tháng tiết kiệm được 30 triệu, vậy còn 20 triệu nữa lấy đâu ra? Các đợt đóng sau thì thể nào? Chồng tôi bảo, kệ, cứ mua được là được, khi nào không kham nổi thì bán đi lấy tiền lại, không mất đi đâu được. Nghĩ thế, nên tôi cũng tạm yên tâm.

Vì chủ đầu tư có liên kết với ngân hàng cho vay mua căn hộ lên tới 85% giá trị nên tôi cũng yên tâm, chồng tôi cũng lo được cái hợp đồng lao động với mức lương đủ điều kiện để vay nên tôi cũng yên tâm phần nào. Hai vợ chồng cùng làm thủ tục để vay tiền ngân hàng, dự tính vay khoảng 700 triệu, lãi xuất cao nhất là 11%/năm theo dư nợ giảm dần. Năm đầu tiền sẽ không phải trả gốc và lãi, đến năm thứ hai mới bắt đầu trả, lại nhẩm tính mỗi năm mình tiết kiệm được 120 triệu, như vậy thì đến khi phải trả gốc và lãi thì mình cũng chỉ phải trả khoản gốc + lãi của 700 triệu kia, nhân viên tín dụng cũng nhẩm tính mỗi tháng trả cao nhất là 13 triệu, thời hạn vay lên đến 20 năm nên hai vợ chồng cũng yên tâm phần nào.

Chúng tôi bắt đầu chuyển nhà đến một căn phòng trọ nhỏ, hẹp, lụp xụp với giá 1,7 triệu/ tháng, điện nước vào khoảng 2,2 triệu/tháng. Như vậy đã tiết kiệm được 3 triệu mỗi tháng, nấu cơm ăn để tiết kiệm thay vì ăn trưa tại công ty và tại công trường. Tháng đầu tiên, hai vợ chồng nhận tăng ca, trực đêm, tiết kiệm triệt để, dư ra được 17 triệu, một con số đầy động lực.

Nhưng, từ tháng thứ hai trở đi hai vợ chồng bắt đầu thấy mệt mỏi, khu nhà trọ ẩm thấp nhiều chuột gián, lại không có điều hòa nên mỗi khi về nhà không khác gì cái lò hỏa thiêu, bấm bụng lắp cái điều hòa thì mỗi tháng tiền điện lên gần 1 triệu khiến hai vợ chồng tá hỏa, đi làm nhiều, nghỉ ngơi ít, lại làm việc nhà cơm nước giặt giũ, tôi bắt đầu thấy dấu hiệu stress. Buồn nhất là hai vợ chồng đã kế hoạch để khi nhận nhà mới có con mà tôi lại có thai. Có con, chẳng vợ chồng nào là không vui cả, thế mà hai vợ chồng tôi nhìn nhau như tin sét đánh. Cả hai đều theo Đạo nên luôn con cái là cái phước lành, có là để sinh chứ không bao giờ bỏ, vậy là đành để.

vay 70 tien ngan hang de mua nha vo chong tre khon don vi dem cua trong lo
Mọi kế hoạch của hai vợ chồng bị đảo lộn khi chị Thu bất ngờ có bầu (Ảnh minh họa: Pinterest)

Những tháng đầu thai kì tôi mệt mỏi kinh khủng, năng lực làm việc giảm sút, sếp cũng không hài lòng, thu nhập giảm đi đáng kể vì công ty làm việc theo KPI, không đạt KPI thì trừ lương là chuyện thường. Từ ngày tôi có bầu, ông xã cũng mệt mỏi hơn do cố gắng chạy cả ngày cả đêm, có khi ngủ trên xe tải luôn, mấy ngày mới về người ngợm hôi rình, tôi hiểu anh muốn lo cho vợ con một khoản để lúc sinh con ra còn có tiền chi tiêu, giờ có bao nhiêu tiền dồn hết vào mua nhà, hai vợ chồng bỗng thành tay trắng. Mà nhà thì phải đến 2 năm nữa mới nhận được, tiền thì cứ 3 tháng lại 100 triệu đóng, dù là vay ngân hàng nhưng cũng phải đến lúc trả chứ...

Tôi bàn với chồng hay là bán căn hộ đi, lấy tiền gửi tiết kiệm mỗi tháng cũng dư ra đôi triệu, giờ tôi sinh con ít nhất cũng phải 3 tháng nữa mới đi làm trở lại. Lương không có, chồng sẽ vất vả, nhưng chồng tôi gạt đi, bảo sẽ cố gắng. Nhìn anh gầy rộc đi sau vài tháng mà tôi thấy xót xa, thật đúng người tính không bằng trời tính.

Sau chuyện này, tôi rút ra một bài học kinh nghiệm là nên hoạch định chi tiêu một cách cẩn thận thì mới không lâm vào cảnh khốn khổ vì "đếm cua trong lỗ" như nhà tôi.

Diệp Anh (ghi)

Theo Đời sống & Pháp lý


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét